Kiến trúc Lăng_Thiệu_Trị

Vườn hoa Lăng Thiệu Trị, nền của lầu Đức Hinh. Lầu Đức Hinh nay đã sụp đổ.

Vua Tự Đức đã cho xây dựng lăng vua Thiệu Trị theo mô thức kiến trúc và phần lớn ý đồ do vua cha để lại. Trước thời điểm khởi công xây dựng lăng này, ở Huế chỉ mới có hai lăng là lăng Gia Long và Minh Mạng. Khi còn sống vua Thiệu Trị đã tham khảo nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của hai vua tiền nhiệm để đưa ra đồ án xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu, nơi mình sẽ an giấc ngàn thu.

So với hai lăng Gia Long và Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị gần Kinh thành hơn, là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm bằng cách thiết kế thành hai trục: trục lăng nằm bên phải và trục tẩm - khu vực điện thờ nằm bên trái. Hai trục cách nhau khoảng 100 mét. Nói cách khác, các nhà kiến trúc lăng Thiệu Trị đã cắt phần giữ của lăng Minh Mạng - điện thờ đặt riêng ra một bên và nối hai phần trước và sau của lăng ấy lại với nhau làm một. Dĩ nhiên, về các đơn vị công trình kiến trúc riêng lẻ thì có thêm bớt, đổi thay đôi chút, nhưng cách xây Bửu thành, Toại đạo, các cầu bằng đá, nghi môn, nghê đồng và các hồ bán nguyệt thì giống lăng Minh Mạng.

Sự khác nhau

Lăng Thiệu Trị khác lăng Minh Mạng là không xây La thành, nhưng giống lăng Gia Long là lợi dụng những dãy núi đồi chung quanh để làm nên một vòng La thành thiên nhiên rộng lớn. Trong vòng La thành hùng vĩ đó, lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là một vùng đất bằng phẳng cỏ cây xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim. Xét về phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế "sơn chỉ thủy giao". Lăng quay mặt về hướng tây bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế bấy giờ. Phía trước, cách lăng khoảng 1 km có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế "tả long hữu hổ". Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8 km đứng làm "tiền án" cho khu vực lăng, động Bàu Hồ ở gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa, người xưa đã đắp một mô đất cao lớn làm "hậu chẩm" cho lăng. Trong phạm vi lăng có ba hồ bán nguyệt là hồ điện, hồ Nhuận Trạch, và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chảy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.

Giá trị kiến trúc

Tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng. Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng ở chỗ đều không có La thành, khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng Toại đạo, Bửu thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước. Lăng gồm hai khu vực: lăng và tẩm. Phần lăng nằm ở bên phải, phía trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ điện ở trước khu tẩm qua một hệ thống cống ngầm và nối với hồ Ngưng Thúy ở trước Bửu thành, tạo thế "chi huyền thủy" chảy quanh co trong lăng. Ngay sau hồ Nhuận Trạch là nghi môn bằng đồng đúc theo kiểu "long vân đồng trụ" dẫn vào Bái Đình rộng lớn. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế. Tiếp theo Bi Đình dạng phương đình là lầu Đức Hinh ngự trên một quả đồi thấp hình mai rùa. Các nhà thiết kế lăng Thiệu Trị đã tách riêng khu vực tẩm điện trong lăng Minh Mạng rồi cải tiến, sửa đổi cho phù hợp với cảnh quan của Xương Lăng để tạo ra đồ án thiết kế lăng này. Chính vì thế mà Bi Đình và lầu Đức Hinh ở Xương Lăng mang dáng vóc của Bi Đình và Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Đứng trên lầu Đức Hinh, phóng tầm mắt ra phía sau sẽ thấy một cảnh quan trác tuyệt. Hồ Ngưng Thúy như vầng trăng xẻ nửa án ngữ trước Bửu thành. Bên trên hồ có 3 chiếc cầu: Đông Hòa (phải), Chánh Trung (giữa) và Tây Định (trái), dẫn đến bậc tam cấp vào Bửu thành - nơi đặt thi hài của nhà vua. Xa hơn về phía phải của lăng có gác Hiển Quang - nơi nghỉ ngơi, suy tưởng của nhà vua ở cả cõi âm lẫn cõi dương.

Có lẽ do yếu tố địa lý không cho phép kiến tạo Xương Lăng theo một trục dọc như Hiếu Lăng nên khu vực điện thờ được xây dựng riêng, cách lầu Đức Hinh 100m về phía trái. Ngay sau hồ điện có một nghi môn bằng đá cẩm thạch, bên trên là những liên ba và một bầu Thái cực hình nậm rượu bằng pháp lam, trang trí hoa lá vui mắt và sinh động. Bức hoành phi nằm giữa những hoa văn trang trí với 4 chữ Hán: "Minh đức viễn hỷ" (Đức sáng cao xa vậy!) như muốn ghi mãi vào không trung tài đức của nhà vua. Bước lên tam cấp dẫn vào khu vực điện Biểu Đức, sẽ đi qua Hồng Trạch Môn nhìn về phía Bắc, một dạng vọng lâu như Hiển Đức Môn (ở lăng Minh Mạng) và Khiêm Cung Môn (ở lăng Tự Đức sau này). Chính giữa là điện Biểu Đức, nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu Từ Dụ. Trong chính điện, trên những cổ diêm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch, có hơn 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị về văn học và giáo dục. Các công trình phụ thuộc như Tả, Hữu Phối Điện (trước), Tả, Hữu Tùng Viện (sau) quây quần chung quanh điện Biểu Đức càng tôn thêm vẻ cao quý của chính điện. Bên kia hồ điện, hòn Bàu Hồ làm bình phong cho khu vực điện thờ, rừng thông xanh mướt làm La thành cho khu vực lăng.

Giá trị di tích

Lăng vua Thiệu Trị nằm gần với cùng với lăng mộ của dòng họ, chếch về phía trước lăng là lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua). Bên trái phía sau là Xương Thọ Lăng của bà Từ Dụ (vợ vua) và không xa phía trước là khu mộ "tảo thương" - nơi có nhiều ngôi mộ của các ông hoàng, bà chúa nhỏ bé, con vua Thiệu Trị.

Cụm di tích lân cận

Trong quá trình thám sát mở rộng xung quanh quần thể lăng Thiệu Trị, đoàn khảo sát các công trình di tích cố đô Huế đã phát hiện một cụm di tích quan trọng liên quan đến lăng thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụm di tích gồm 2 khu mộ Tảo Thương - mộ những người con của vua Thiệu Trị, Bến Ngự (nằm bên bờ sông Hương), các trụ biểu, Hành Cung Cư Chánh, Trại Bảy (nơi ở của lính bảo vệ lăng Hiếu Đông), đặc biệt là con "đường ngự" dẫn vào lăng vua Thiệu Trị, xuất phát từ bờ sông Hương. Đường ngự ngày xưa là con đường dùng để đưa thi hài vua Thiệu Trị vào an táng trong lăng, sau đó các vua đời sau dùng để đi vào lăng trong các dịp tế lễ hằng năm.